Thánh Mau-rô Viện Phụ Đan Viện Subiacô
Ngày 15 tháng 1
Thánh Mau-rô Viện Phụ Đan Viện Subiacô sinh vào ngày mồng 01 tháng 01 năm 510 (có tài liệu nói vào năm
512) tại Rô-ma. Ngài là con của một nghị viên Rô-ma tên là Equitius. Ngay từ
lúc còn thiếu thời, Mau-rô đã được cha mẹ gửi đến cho Thánh Biển Đức để Ngài nuôi nâng và giáo dục. Cậu đã nhanh chóng trở
thành học trò ngoan hiền và được quý chuộng cách đặc biệt bởi vị Tổ Phụ các
Đanh Sinh phương Tây. Theo gương vị Thầy
thánh thiện, Mau-rô đã quyết định dấn thân vào đời sống Đan Tu, và chẳng bao lâu sau đã trở thành một trong các Đan Sĩ mẫu mực của Đan Viện Subiacô, tức Đan Viện Biển Đức
tiên khởi tại Ý.
Theo tương truyền, sau khi Thánh Biển Đức kéo đoàn môn sinh tới
Monte Cassino để thành lập một Đan Viện mới thì Thánh Mau-rô đã được bầu chọn để
trở thành người kế vị trực tiếp của Thánh Biển Đức trong vai trò Viện Phụ của
Đan Viện Biển Đức tiên khởi nêu trên.
Theo tường thuật của Thánh Grê-gô-ri-ô Cả Giáo Hoàng,
thì ngay khi đang còn là một cậu học sinh của Thánh Biển Đức, và vì vâng lời vị Thầy này, Mau-rô đã chạy băng băng trên mặt hồ để đến
cứu một đồng môn tên là Pla-xi-đô đang bị chết đuối.
Cũng theo Thánh Grê-gô-ri-ô Cả Giáo Hoàng
thì Thánh Mau-rô có một sức mạnh phi thường trong việc chữa lành các bệnh tật.
Thánh Mau-rô nổi tiếng với lối sống đức hạnh, với sự vâng phục
hoàn toàn và với sự khiêm nhượng thẳm sâu.
Những gì có tính sử học về Thánh Mau-rô thật khá ít ỏi. Một trong những tài liệu xuất hiện sớm nhất về Thánh
Mau-rô là tác phẩm Đối Thoại của Thánh Grê-gô-ri-ô Cả Giáo Hoàng.
Nhưng trong tác phẩm này, Thánh Grê-gô-ri-ô cũng đã không
nói nhiều về Thánh Mau-rô, bởi Ngài chỉ cốt nói về Thánh Biển Đức mà thôi.
Sau đây là trình thuật của Thánh Grê-gô-ri-ô cả Giáo Hoàng về việc
Thánh Mau-rô cứu sống Thánh Pla-xi-đô tại hồ Subiacô, được
ghi lại trong cuốn Đối Thoại II,7,1:
Một ngày nọ khi Thánh Biển Đức đang ở
trong phòng riêng của Ngài, thì cậu Pla-xi-đô, lúc đó vẫn đang còn là một cậu bé, có nhiệm
vụ phải đi tới hồ để gánh nước về cho Đan Viện.
Tuy nhiên, vì bất cẩn nên cậu đã đánh rơi chiếc bình xuống hồ. Thế là cậu đành phải nhảy xuống nước để vớt chiếc bình đó lên. Cậu đã với tay tới được chiếc bình, nhưng vì hồ quá sâu nên cậu không thể đưa nó vào bờ. Loay hoay mãi mà vẫn chưa thể vào được
bờ, cậu lại còn bất ngờ gặp phải một cơn sóng lớn.
Cơn sóng này đã đẩy cậu ra xa bờ với khoảng cách
bằng một mũi tên được bắn đi.
Lúc ấy, dù đang ở trong phòng một mình, nhưng Người Của Thiên Chúa vẫn lập tức phát hiện ra sự việc. Ngài liền
gọi Thầy Mau-rô tới và nói với Thầy rằng: „Này Mau-rô, con chạy
nhanh lên! Pla-xi-đô đi lấy nước và đã bị
ngã xuống hồ, và một cơn sóng đã đẩy cậu ấy ra xa bờ rồi!“
Một điều gì đó như một phép lạ đã xảy ra giống như phép lạ được
dành cho Thánh Phê-rô Tông Đồ ngày xưa (xc. Mt 14,28-29). Thầy Mau-rô đã xin
Người của Thiên Chúa chúc lành cho mình, và Người Của Thiên Chúa đã thực hiện theo ý Thầy xin. Nhận phép lành của Viện Phụ xong, Thầy
Mau-rô tức tốc làm theo lệnh Bề Trên, và cắm đầu cắm cổ chảy
thẳng tới nơi mà cơn sóng đang nhấn chìm cậu Pla-xi-đô xuống nước. Dù chạy băng băng trên mặt nước, nhưng Thầy Mau-rô cứ nghĩ rằng
mình đang chạy trên mặt đất. Tới được chỗ cậu Pla-xi-đô đang chết đuối, Thầy Mau-rô liền túm lấy tóc cậu và kéo vào bờ. Thầy muốn đưa cậu Pla-xi-đô lên bờ một cách mau
nhất có thể, nhưng Thầy hầu như không thấy bờ đâu. Ngoái nhìn lại, Thầy mới
phát hiện ra rằng, Thầy vừa mới chạy trên mặt nước, và chỗ Thầy đang đứng cách bờ khá xa. Đó là điều mà không bao giờ Thầy
dám nghĩ rằng có thể xảy ra, nhưng kỳ thực nó đã xảy ra trước sự ngạc nhiên và
kinh hoàng của Thầy.
Sau khi đưa được cậu Pla-xi-đô vào bờ, Thầy Mau-rô liền chạy về
với Viện Phụ và kể lại cho Ngài nghe những gì đã xảy ra. Nghe xong, Thánh Biển
Đức giải thích rằng, điều đó xảy ra không phải vì sự thánh thiện và công trạng
của mình, nhưng vì sự vâng phục của Thầy Mau-rô. Còn Thầy Mau-rô thì lại quả
quyết rằng, điều đó đã xảy ra vì lệnh truyền của Viện Phụ Biển Đức. Ở đây, Thầy
Mau-rô đã không ý thức về sức lực của mình, mà kỳ thực, Thầy đã chỉ hành động một
cách vô thức. Trong lúc không ai chịu nhận là do công trạng của mình thì cậu
Pla-xi-đô – người vừa được cứu sống – đành phải đứng ra phân xử. Cậu nói rằng:
„Khi con được kéo lên khỏi mặt nước thì con thấy trên đầu con
có cái áo choàng của Viện Phụ. Theo con thì cái áo choàng đó đã kéo con lên khỏi
mặt nước.“
Cuốn hạnh tích mang nhiều tính huyền thoại được soạn thảo vào
năm 860 bởi Odo Glanfeuil, nhưng mạo danh là Faustus – người được cho là bạn
đồng hành của Thánh Mau-rô -, kể lại rằng, Thánh Biển
Đức đã cử Thánh Mau-rô tới Gallia (Pháp Quốc). Và tại đây, Thánh Nhân đã thiết lập nên Đan Viện Biển Đức đầu
tiên tại Pháp với tên gọi là Đan Viện Glanfeuil. Nhưng về sau, Đan Viện này được
đổi tên là Đan Viện St-Maur-sur-Loire, và giữ nguyên tên gọi này cho tới ngày
nay. Cũng theo cuốn hạnh tích Thánh Mau-rô do Odo Glanfeuil biên soạn, thì
Thánh Mau-rô đã qua đời tại Gallia vào ngày 15 tháng 01 năm 580 (tài liệu khác
thì nói vào năm 584) trong một trận dịch hạch. Thi hài Ngài đã được an táng tại
Đan Viện Glanfeuil tức Đan Viện St-Maur-sur-Loire ngày nay.
Vào năm 865, trong cuộc chạy trốn trước quân Normandie, các
Thánh Tích được cho là của Thánh Mau-rô đã được chuyển từ Đan Viện Glanfeuil tới
Đan Viện St-Maur-des-Fossés. Tại đây, Ngài được dân chúng tôn kính cách đặc biệt.
Sau này, các Thánh Tích được cho là của Thánh Mau-rô lại được chuyển tới nhà thờ
St-Germain-des-Prés ở Paris. Tuy nhiên, vào
năm 1793, các Thánh Tích được cho là của Thánh Mau-rô trong nhà thờ nêu trên đã
những
người theo cách mạng Pháp bị hủy hoại. Trước đó, vào khoảng năm 1033, một khúc Thánh Cốt
được cho là cánh tay của Thánh Mau-rô,
đã được chuyển tới Monte Cassino. Và đã có các bằng chứng cho thấy, Thánh
Mau-rô đã được tôn kính tại Đan Viện này từ thời gian đó.
Giáo hội Công giáo mừng kính Thánh Mau-rô vào ngày 15 tháng 01 với
bậc Lễ nhớ tự do, tức Lễ bậc IV.
Còn trong các Dòng Biển Đức, Xi-tô và Trappist, Thánh Mau-rô
cũng được mừng kính vào ngày 15 tháng 01, nhưng được mừng chung với Thánh Pla-xi-đô Viện Phụ với bậc Lễ nhớ buộc (có Đan Viện cử hành với bậc Lễ kính, tức Lễ bậc II).
Lm
Đa-minh Thiệu O.Cist